Diễn biến Chiến_dịch_Mogilev

Trước khi chiến dịch Mogilev được mở màn, Tập đoàn quân không quân số 4 đã tổ chức các trận oanh kích để "làm mềm" các phòng tuyến quân Đức, đảm bảo cho các mũi đột phá tấn công thuận lợi.

Chiến sự ngày 23 tháng 6

Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 6, các máy bay ném bom và ném bom tầm xa của quân đội Liên Xô đã dội một trận mưa bom lên các phòng tuyến và các trận địa pháo quân Đức tại các điểm đột phá. Tiếp đó, đến 9 giờ sáng, đại bác của Tập đoàn quân số 49 đồng loạt nã đạn trong một đợt bắn chuẩn bị kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Sau loạt bắn chuẩn bị, lúc 11 giờ trưa Tập đoàn quân số 49 đồng loạt nổ súng tấn công - trong đó một số đơn vị bộ binh đã tranh thủ vượt sông Pronya ngay trong thời gian bắn chuẩn bị - và đã chọc thủng phòng tuyến quân Đức tại khu vực Staryy Pribuzh (Staroje Prybuzza) - Staryy Perevoz (gần Kamienka). Đến cuối ngày, Tập đoàn quân số 49 đã tiến sâu được 5-8 cây số và dẫn đầu cuộc tiến công tại khúc cong của sông Staryy Pribuzh - rìa Đông Borodenki (Vialikija Baradzienki) - Trilesino (Tryliesina) - khu rừng phía Tây Nam Novoselki - rìa đông Mokryad (Mokradz) - Olkhovka - Suslovka (Bắc) (Suslauka) - ngoại vi phía Đông Suslovka (Nam) - Popov Sloboda - Raducioiu (Raducy) - Bubyl - Radomlya - và khu rừng phía Nam Staryy Perevoz. Các tập đoàn quân số 33 và 50 cũng đạt được những thành quả đáng kể trong ngày tấn công đầu tiên. Không quân Xô Viết với binh lực áp đảo đã hoàn toàn làm chủ bầu trời, thực hiện 627 phi vụ trong ngày so với 16 phi vụ của không quân Đức.[12]

Chiến sự ngày 24 tháng 6

Vào 7 giờ 30 sáng, Tập đoàn quân số 49 và một phần của Tập đoàn quân số 50 tiếp tục tấn công mạnh về phía Tây và đến cuối ngày, quân đội Liên Xô đã đột phá được 8-16 cây số, tiếp cận tuyến Chernevka (Cernieuka) - Alyuta (Aliuty) - khu rừng phía Đông Zhdanovichi (Zdanavicy) - điểm cao 156,0 - Honkovichi (???) - Popovka - Starosel - Razinkov - Chernavtsy - Girovtsy - Chizhi - Selets và đánh chiếm một đầu cầu vượt sông bên bờ tây sông Basya (tại Khankovichi — Bradzily). Tuy nhiên tại các khu vực khác, quân đội Liên Xô chưa tiến công đáng kể.[13]

Quân đoàn thiết giáp số 39 (Đức) của tướng Robert Martinek cũng tổ chức chống cự kịch liệt ở phía Đông Mogilev và gây ra những khó khăn đáng kể cho Tập đoàn quân số 49 (Liên Xô).[14] Trong lúc đó, tướng Kurt von Tippelskirch, tư lệnh Tập đoàn quân số 4, đã thỉnh cầu bộ tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Trung tâm cho phép tướng Martinek rút lui về bờ bên kia sông Dniepr. Tuy nhiên thỉnh cầu này đã bị từ chối thẳng thừng và bộ Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Trung tâm nhấn mạnh quân Đức không được phép tự ý rút lui dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.[10] Dù vậy, lực lượng dự bị là Sư đoàn thiết giáp xung kích "Feldherrnhalle" đã được điều đến tăng cường cho khu vực sông Dniepr, chuẩn bị cho trường hợp các đơn vị ở tuyến đầu buộc phải rút lui.[15] Tuy nhiên lực lượng này, theo tướng Kurt von Tippelskirch, chỉ vừa đủ cho việc phòng ngự.[10] Ở phía cực Nam, quân đoàn bộ binh số 12 (với các sư đoàn thiết giáp xung kích số 18, sư đoàn bộ binh số 57 và sư đoàn bộ binh số 267) cũng bắt đầu triệt thoái về tuyến phòng ngự thứ hai.

Chiến sự ngày 25 tháng 6

Sang ngày 25 tháng 6, tập đoàn quân số 49 cùng với cánh trái của Tập đoàn quân số 33, cánh phải và trung tâm của Tập đoàn quân số 50 tiếp tục hành tiến theo hướng Mogilev. Trong ngày hôm đó, quân đội Liên Xô tiến sâu 4-15 cây số, giải phóng Chavusy và đến cuối ngày đã tiếp cận được tuyến Novyy Pribuzh - Zastenki - Belaya - Ruditsy - Domany (Damany) - Yaskovichi - Zaresye (Zarescie) - sông Resta - Drachkovo (Drackava) - Moshok - Blagovichi - Vileyka - Lubavino - Kopani - Prudische - Gryazivets. Các máy bay của Tập đoàn quân không quân số 4 hôm đó đã thực hiện được 850 phi vụ[16].

Tập đoàn quân số 4 (Đức) vẫn tiếp tục chống cự dữ dội và đã mở một cuộc phản kích mạnh, tạm thời kìm chân được quân đội Liên Xô. Tippelskirch ủy quyền cho Thượng tướng Gotthard Heinrici vào đêm 25 rạng ngày 26 chỉ huy Tập đoàn quân số 4 rút lui về bên kia sông Dniepr. Tuy nhiên quyết định này đã bị trì hoãn[10].

Chiến sự ngày 26 tháng 6

Tập đoàn quân số 33 tiếp tục tấn công theo hướng Shklov, đến cuối ngày đã đột phá 30-35 cây số và tiếp cận tuyến Sidorovka - Chamodany, giải phóng thành phố Gorki. Cánh phải và trung tâm của tập đoàn quân số 49 đến cuối ngày đã tiếp cận bờ Đông sông Dniepr tại khu vực Yanovo (Haradok) (cách Skhlov 7 cây số về phía Đông Nam) - Pavlovo - Khvoyna, cánh trái của tập đoàn quân (quân đoàn bộ binh số 62) tiếp tục quần thảo với các lực lượng chặn hậu của quân Đức trên tuyến phía Bắc Shapotitsy - Kamenka (14 cây số phía Đông Mogilev) - Novyy Lyubuzh - Krasnaya Gorka. Sư đoàn bộ binh số 153 và 42 đã vượt sông Dniepr thành công và đánh chiếm một đầu cầu ở bờ Tây tại khu vực Zashchita (Zascyta) và phía Tây Dobreyka (Dabrejka), cắt đứt tuyến đường bộ Shklov - Mogilev. Cánh phải và trung tâm của Tập đoàn quân số 50 tiến tục tấn công về phía Tây và tiếp cận tuyến Romanovichi - Podbelye (cách Mogilev 15 cây số về phía Đông Nam) - Amkhovaya - Smlolka - Kutnya - Lisichnik - Dvorovyy.

Ngày hôm đó Tập đoàn quân không quân số 4 thực hiện 1049 phi vụ[17].

Chiến sự ngày 27 tháng 6

Pháo tự hành StuG-III của Đức bị bỏ lại gần Mogilev

Ngày 27 tháng 6, Tập đoàn quân số 33 vượt sông Dniepr, giải phóng Kopys, Shklov và mở rộng đầu cầu vượt sông bên bờ Tây sông Dniepr. Đến cuối ngày, tập đoàn quân tiếp cận tuyến Mankova (cách Kopys 7 cây số về phía Tây) - Korzuny - Trosenka - Zemtsy (cách Shklov 6 cây số về phía Tây) - Shnarovka - Litovsk, tiến sâu 18 - 26 cây số.

Trong khi đó, các thê đội tuyến đầu của Tập đoàn quân số 49 tiếp tục đánh mạnh trên tuyến sông Dniepr, tổ chức truy kích quân Đức đang tháo chạy tại cánh phải và tại khu vực trung tâm. Đến ngày 17 tháng 10, Tập đoàn quân số 49 đã tiến tới tuyến Svetlaya Polyana (cách 21 cây số về phía Bắc Mogilev) - Zakrevshina (cách Mogilev 15 cây số về phía Tây Bắc) - Sofiyivka - Polykovichi - Krasnopolye - Senkovo. Một phần của sư đoàn bộ binh số 369, 64 và các sư đoàn xe tăng của Tập đoàn quân số 49 đã tiếp cận khi vực ngoại vi Mogilev, đột phá 6-11 cây số về phía Tây. Như vậy, Tập đoàn quân số 49 đã ở bên bờ Tây của sông Dniepr tại xung quanh Mogilev và bắt đầu hình thành vòng vây[3].

Lúc 17 giờ, các sư đoàn bộ binh số 238 và 139 của Tập đoàn quân số 50 tấn công vào nội đô Mogilev. 2 trung đoàn bộ binh của các lực lượng này đã vượt sông Dniepr tại khu vực gần Buinichi, đi vòng qua Mogilev từ phía Tây Nam. Một trung đoàn bộ binh của sư đoàn bộ binh số 362 tiếp cận vùng ngoại ô phía Nam và tấn công quân Đức trong một trận chiến trên các dãy phố. Lực lượng còn lại tổ chức quét sạch tàn quân Đức còn đóng trên bờ Đông sông Dniepr và chuẩn bị các loại xuồng, phà để vượt sông. Một trung đoàn của sư đoàn bộ binh số 380 cũng vượt sông Dniepr và giải phóng Stayki. Trong khi đó, lực lượng cơ động của lữ đoàn xe tăng cận vệ số 23 tiếp cận và bao vây Mogilev từ phía Tây Bắc[18]. Như thường lệ, khi một thành phố bị bao vây, mệnh lệnh của Hitler là quân đồn trú phải chiến đấu tới người cuối cùng, tuy nhiên nhiều đơn vị quân Đức tại Mogilev đã không tuân theo lệnh này. Rõ ràng, các chỉ huy kinh nghiệm cấp trung đoàn trở xuống của Đức hiểu rất tường tận rằng, bất cứ thành phố nào có nguy cơ trở thành một "pháo đài" bị bao vây thì họ phải tránh cho xa, và khi đã thành "pháo đài" thì phải tìm mọi cách để phá vòng vây chạy thoát chứ không tử thủ theo lệnh Hitler. Giống như ở Bobruysk và Vitebsk trong cùng thời gian đó, cuộc đào thoát khỏi Mogilev của quân Đức đi kèm với những trải nghiệm đau đớn dưới làn mưa đạn bom của không quân và pháo binh Xô Viết.[3]

Cùng ngày hôm đó, tướng Kurt von Tippelskirch, thông qua hệ thống điện đài vô tuyến, đã hạ lệnh lui quân về phía Borisov và phía bờ Tây sông Berezina. Quân đoàn số 39 và 12 bắt đầu rút lui sang bên kia sông từ ngày 27 cho đến ngày 28. Tuy nhiên không phải đơn vị Đức nào cũng nhận được lệnh đó và không phải đơn vị Đức nào cũng thi hành được lệnh đó.[19] Cuộc rút lui của Tập đoàn quân số 4 dần dần mất tính tổ chức, nhiều đơn vị trở nên hỗn loạn và đội hình lẫn vào nhau, liên lạc giữa các đơn vị bị gián đoạn. Trên đường đi chật cứng những binh lính bỏ chạy, thêm vào đó không quân Xô Viết thì ném bom dữ dội. Tư lệnh quân đoàn bộ binh số 39, trung tướng Robert Martinek, chết trong một trận bom vào ngày 28 tháng 6 khi đang trên đường đến sở chỉ huy mới tại Berezina.

Lực lượng máy bay cường kích và ném bom của Phương diện quân Byelorussia 2 đã thực hiện 931 phi vụ nhằm tiêu diệt các phòng tuyến và trang thiết bị của quân Đức, hỗ trợ cho bộ binh tấn công. Không quân Đức chỉ thực hiện 7 phi vụ.[20]

Chiến sự ngày 28 tháng 6

Tập đoàn quân 49 (Liên Xô) tấn công giải phóng thành phó Mogilev ngày 28-6-1944

Tập đoàn quân số 33 sau khi đẩy lùi các cuộc phản kích của quân Đức đã tấn công, đến cuối ngày đã tiếp cận tuyến Staroselye - Voronovka - Shakhovo - Orlovka, thu giữ nhiều chiến lợi phẩm. Ở khu vực Mogilev, sư đoàn bộ binh số 12 - lực lượng tử thủ Mogilev - đã bị tiêu diệt toàn bộ, 3.000 tù binh của đơn vị này bị bắt trong đó có toàn bộ ban chỉ huy. Tập đoàn quân số 49 tiếp tục truy kích quân Đức và chủ lực của tập đoàn quân đã tiến tới tuyến Golovchin - Mostische - Rubtsovschina (cách Mogilev 25 cây số về phía Tây Nam). Tập đoàn quân số 50 truy kích về phía Tây Nam, tiến tới tuyến Tashnovka - Zabrodye - Shkolnyy - Gorodets - Vyun. Trong ngày, không quân của Phương diện quân Byelorussia 2 đã tổ chức 581 phi vụ trong khi quân Đức chỉ tổ chức 3 phi vụ[21].

Đến đây chiến dịch Mogilev xem như kết thúc. Quân đội Liên Xô giải phóng các thành phố Mogilev, Shklov, Bykhov, đánh chiếm khu vực bờ Tây sông Dniepr và đẩy quân Đức về phía sông Berezina. Chủ lực tập đoàn quân số 4 (Đức) rút lui an toàn về phía bên kia sông Berezina nhưng không hề biết các Phương diện quân Byelorussia 1 và 3 đang hình thành 2 gọng kìm bọc lưng.